Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo cho ý kiến về dự thảo Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển điện khí và điện mặt trời mái nhà

Chiều ngày 24/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), Nghị định quy định cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu và Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại điện các Cục, Vụ đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương: Điện lực và Năng lượng tái tạo; Điều tiết điện lực; Tiết kiệm năng lượng; Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia ngành năng lượng, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ; Văn phòng Bộ… cùng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài như: Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham); Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc (Britcham); Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham); Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (Incham); Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN; Hiệp hội năng lượng sạch Châu Á; Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam; Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức; Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản…

Ngoài ra còn có đại diện các Tập đoàn, doanh nghiệp: Điện lực Việt Nam; BIM Việt Nam; Samsung; Marubeni Asean Power Việt Nam và một số tổ chức hiệp hội doanh nghiệp khác.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, khá ổn định trong 5-7 năm trở lại đây (trung bình 6,5-7%/năm), vì vậy nhu cầu điện năng cũng tăng theo từ 8-10%/năm. Cùng với đó, Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế đạt trung hòa carbon vào năm 2020, vì vậy trong lĩnh vực năng lượng Việt Nam vừa phải phát triển mạnh về tổng nguồn, đồng thời chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu, hướng tới nền sản xuất xanh. Là nền kinh tế có độ mở lớn, dựa vào xuất nhập khẩu, điều này cũng đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi nhanh để thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của các nước nhập khẩu.

Trong Quy hoạch điện VIII, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là giảm các nguồn điện có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh các nguồn năng lượng tái tạo và các nguồn phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Đồng thời, chủ trương ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thu hút đầu tư, phát triển các loại hình nguồn điện sạch, phát triển hệ thống lưới điện thông minh, các thiết bị lưu trữ điện; từng bước phát triển, hoàn thiện thị trường điện trên cả 3 cấp độ: phát điện, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh”– Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin thêm và khẳng định việc mời các hiệp hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp có liên quan đến hội thảo này nhằm lấy ý kiến đóng góp về 3 chính sách: Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); cơ chế phát triển mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển điện khí. Theo Bộ trưởng, các đại biểu không chỉ là các nhà cố vấn chính sách, mà còn là khách hàng tiềm năng của Việt Nam.

Mong quý vị trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, đề xuất chính sách mới nhưng phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị.

Tại hội thảo, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã thông tin cơ bản về cơ chế PPA và cơ chế phát triển điện khí; cơ chế phát triển điện mái nhà tự sản, tự tiêu.

Có 17 đại biểu đại diện các Hiệp hội, tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện lớn trong và ngoài nước đã phát biểu ý kiến về các dự thảo Nghị định trên. Các ý kiến đều ủng hộ các chính sách dự thảo Nghị định trên và bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành cơ chế này với kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Kết luận hội thảo, thay mặt Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn những ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết và xác đáng của các đại biểu. Bộ trưởng một lần nữa khẳng định sự cần thiết và cần ban hành sớm cơ chế chính sách mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu và cơ chế phát triển điện khí để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam, triển khai Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, hướng tới một nền sản xuất xanh ở Việt Nam.

“Ba chính sách này là những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII và là cơ sở quan trọng để phát triển hoàn thiện thị trường điện trên cả 3 góc độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Đây cũng là bước đi cần thiết để Việt Nam chuyển sang nền kinh xanh, kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon”– Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ ra những cơ chế, chính sách trên đều rất mới, rất khó không chỉ với Việt Nam mà cả những quốc gia phát triển, do luật pháp hiện hành của Việt Nam chưa cho phép thực hiện cơ chế chính sách này một cách đầy đủ và Việt Nam có xuất phát điểm khác với các nước, nhất là các nước phát triển.

“Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với đối tượng, phạm vi điều chỉnh và chính sách dự kiến. Có đề xuất xem xét rõ các khái niệm, quy trình thủ tục để thực hiện những cơ chế chính sách ấy; chúng tôi thấy hoàn toàn thấy phù hợp, sẽ nghiên cứu để tiếp thu và sửa một cách phù hợp”– Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay và nhấn mạnh thêm, đối với chính sách mua bán điện trực tiếp, thống nhất đối tượng điều chỉnh không chỉ là các doanh nghiệp sản xuất mà cả các doanh nghiệp dịch vụ. Về chính sách, quy định 2 chính sách về mua bán điện trực tiếp là: không nối lưới thì không giới hạn công suất, loại hình nguồn điện và đối tượng sử dụng; nối lưới thì phải giới hạn điện áp, điện năng và giới hạn loại hình nguồn điện (năng lượng tái tạo bao gồm gió và năng lượng mặt trời).

Bộ trưởng cho rằng đây là những chính sách cơ bản, còn những kiến nghị cụ thể khác sẽ tiếp tục được Ban biên tập, Tổ soạn thảo tiếp thu.

Đối với chính sách điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu, Bộ trưởng cũng thống nhất đối tượng, phạm vi điều chỉnh và có 4 chính sách cơ bản như trong dự thảo đã nêu.

Nếu không đấu nối, liên kết với hệ thống điện quốc gia thì được ưu tiên phát triển không giới hạn về công suất, điều này không đòi hỏi tất cả đối tượng phải áp dụng không phát điện lên lưới, nhưng nếu không dùng hệ thống này thì chỉ được ghi nhận “giá 0 đồng” trong trường hợp phát dư công suất lên lưới điện quốc gia. Nếu có đấu nối, liên kết với hệ thống điện quốc gia thì tổng công suất phát triển trên cả nước không vượt quá 2.600MW (theo Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII – PV), nhưng cũng không cho phép mua bán điện trong trường hợp này”- Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh.

Đối với phát triển điện khí, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, khác với nguồn khí tự nhiên khai thác trong nước, nguồn khí LNG nhập khẩu phụ thuộc chủ yếu và bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường giao ngay. Để đảm bảo nhà máy điện khí LNG hoạt động ổn định, việc chủ đầu tư các nhà máy điện khí mua nhiên liệu LNG theo hợp đồng dài hạn là cần thiết. Cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện là cơ chế cho phép các nhà máy điện sử dụng khí LNG điều chỉnh giá bán điện để phản ánh sự biến động của giá nhiên liệu trong chi phí đầu vào mua khí LNG. Cơ chế mua bán điện của các nhà máy điện khí đang được xây dựng với nội dung này nhằm đảm bảo chia sẻ các rủi ro công bằng, minh bạch cho các bên liên quan. Các hợp đồng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt – tiếng Anh và áp dụng luật pháp Việt Nam trong trường hợp các bên có xung đột.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị trong thời gian tới, các đại biểu tiếp tục gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản tới Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Điều tiết điện lực để cơ quan thường trực xây dựng tiếp thu, hoàn thiện dự thảo các Nghị định, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.