Cách mạng năng lượng mặt trời ở châu Âu

   THANH NIÊN ONLINE

Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh sử dụng năng lượng mặt trời nhằm giảm bớt áp lực từ cuộc khủng hoảng năng lượng do thiếu nguồn cung từ Nga, đồng thời thực hiện cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030.

Theo báo cáo của Tổ chức năng lượng toàn cầu Ember (Anh), năm 2021, năng lượng mặt trời chỉ chiếm 6% điện năng tiêu thụ của các quốc gia EU. Tuy nhiên, kể từ khi Nga cắt nguồn cung khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan cuộc chiến Ukraine, năng lượng mặt trời trở thành nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất ở châu lục này và giúp tiết kiệm hàng tỉ euro từ việc nhập khẩu khí đốt.

Cách mạng năng lượng mặt trời ở châu Âu - ảnh 1

Trang trại năng lượng mặt trời tại đập Alqueva ở Bồ Đào Nha

REUTERS

Theo dữ liệu phân tích từ Ember, chỉ tính riêng từ tháng 5 – 8.2022, EU đã sản xuất được mức kỷ lục 12% điện năng từ năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm tới 29 tỉ euro do không phải nhập khẩu khí đốt (khoảng 20 tỉ m3 khí hóa thạch). Con số này vượt mức điện năng tạo ra từ gió (11,7%) và thủy điện (11%), chỉ kém điện năng từ than đá không là bao (16,5%).

Châu Âu đang khẩn trương cố gắng chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và các số liệu cho thấy năng lượng mặt trời có thể là chìa khóa cho bài toán này.

 

 

Current Time0:01
/
Duration1:42
Auto

 

 

Khủng hoảng năng lượng có thể trầm trọng hơn trong năm 2023

Bùng nổ dự án năng lượng mặt trời

Châu Âu đang phá vỡ các kỷ lục về năng lượng mặt trời khi ngày càng xây dựng thêm nhiều nhà máy năng lượng mặt trời mới. Thời tiết nhiều nắng và công suất lắp đặt điện mặt trời tăng mạnh thời gian qua đã giúp châu Âu gia tăng sản lượng điện mặt trời, giải tỏa phần nào “cơn khát năng lượng” của châu lục này.

Hiệp hội thương mại năng lượng mặt trời SolarPower Europe cho biết, năm 2022 chứng kiến sự tăng đột biến của các dự án năng lượng mặt trời ở châu Âu, đủ để cung cấp điện năng cho hơn 30 triệu ngôi nhà.

Ông Dries Acke, Giám đốc chính sách của SolarPower Europe, nhấn mạnh: “Mỗi megawatt năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo tạo ra sẽ giảm bớt lượng nhiên liệu hóa thạch mà châu Âu cần từ Nga”.

Cách mạng năng lượng mặt trời ở châu Âu - ảnh 2
Trang trại năng lượng mặt trời tại Saelices, Tây Ban Nha

REUTERS

Ông Matthew Berwind, Giám đốc Dự án Mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp tại Viện Hệ thống Năng lượng mặt trời Fraunhofer của Đức (viện nghiên cứu ứng dụng lớn nhất về năng lượng mặt trời ở châu Âu) đánh giá, có sự bùng nổ và phát triển năng lượng mặt trời ở châu Âu. Từ Bồ Đào Nha đến Ba Lan, từ Hà Lan đến Hy Lạp, các nhà máy điện mặt trời mọc lên ngày càng nhiều, giúp cung cấp điện năng cho hàng trăm nghìn ngôi nhà. Các tấm pin mặt trời được lắp đặt ở khắp mọi nơi, từ đỉnh các tòa nhà chính phủ đến các cửa hàng tạp hóa, trường học, nông trại.

Các chuyên gia đánh giá rằng thành tựu có tiếng vang lớn nhất liên quan đến các ứng dụng mới nhất của năng lượng mặt trời trong nông nghiệp. Trong các dự án thí điểm, các tấm pin mặt trời vừa giúp tạo điện năng đáp ứng nhu cầu của trang trại, vừa có giúp che phủ các loại cây trồng như quả mọng và nho, giúp cây trồng chống nắng, mưa đá và thời tiết thất thường. Như vậy, rõ ràng các tấm pin năng lượng mặt trời đang mang lại kết quả lưỡng dụng, tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng đất.

Những nước đi đầu

Báo cáo của Tổ chức Ember lưu ý rằng các nguồn năng lượng ít carbon và năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời có thể giúp các quốc gia đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng hơn, đồng thời góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là cơ hội tốt để các nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang đầu tư phát triển các nguồn năng lượng sạch với tốc độ chóng mặt, từ đó thay đổi thói quen tiêu thụ năng lượng của người tiêu dùng. Hy Lạp, Romania, Estonia, Bồ Đào Nha và Bỉ là nằm trong nhóm các quốc gia EU đi đầu trong việc tạo ra năng lượng mặt trời trong mùa hè vừa qua.

Cách mạng năng lượng mặt trời ở châu Âu - ảnh 3
Nhà máy điện mặt trời tại Mainburg, Đức

REUTERS

Hà Lan, Đức và Tây Ban Nha là những nước sử dụng năng lượng mặt trời cao nhất của EU, và lượng điện năng từ mặt trời chiếm lần lượt là 22,7%, 19,3% và 16,7% trong tổng lượng điện năng mà mỗi nước tạo ra được.

Đáng chú ý, Ba Lan đã chứng kiến sự gia tăng lớn nhất trong sản xuất năng lượng mặt trời, nhiều gấp 26 lần so với năm 2018. Phần Lan và Hungary đã tăng gấp 5 lần, Litva và Hà Lan đã tăng gấp 4 lần lượng điện được tạo ra từ năng lượng mặt trời trong cùng giai đoạn.

Các chuyên gia đánh giá, sự bùng nổ năng lượng mặt trời ở châu Âu thời gian qua chủ yếu là do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc cho ra đời hàng loạt tấm pin năng lượng mặt trời với giá thành thấp cũng góp phần thúc đẩy châu Âu đẩy nhanh quá trình phát triển năng lượng mặt trời để thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy có trụ sở tại Oslo (Na Uy) đã kết luận rằng giá thành tấm pin năng lượng quá thấp nên việc triển khai các dự án năng lượng mặt trời mới ở châu Âu sẽ rẻ hơn 10 lần so với việc tiếp tục vận hành các nhà máy chạy bằng khí đốt.

 

 

Current Time0:01
/
Duration1:29

 

 

Xe hơi điện có thể nạp thêm năng lượng mặt trời

Thách thức không nhỏ

Việc phát triển năng lượng mặt trời của châu Âu như một nguồn năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Các dự báo gần đây cho rằng công suất lắp đặt điện mặt trời trong những năm tới ở châu Âu chỉ đáp ứng được chưa đầy một nửa công suất cần thiết. Hơn nữa, trước mắt còn rất nhiều thách thức phải vượt qua.

Thứ nhất, bản thân năng lượng mặt trời không phải là giải pháp duy nhất cho cơn khát năng lượng ở châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Việc sử dụng năng lượng mặt trời cần phải được kết hợp với các năng lượng tái tạo khác như năng lượng gió, thủy điện… để tạo thành hệ thống tích hợp. Hơn nữa, năng lực của châu Âu trong việc đưa hoạt động sản xuất các thiết bị phục vụ cho việc khai thác năng lượng mặt trời trở lại châu lục này là điều phải bàn nhiều.

Thứ hai, việc triển khai các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn không phải lúc nào cũng mang đến hiệu quả và giá thành rẻ cho các hộ gia đình và cộng đồng. Thường là các dự án năng lượng mặt trời lớn sẽ do các công ty nước ngoài đầu tư, do đó, giá thành cũng cao hơn và quyền lợi kinh tế mang lại cho người dân bản địa và cộng đồng dân cư không phải là tối ưu.

Thứ ba, việc triển khai ồ ạt và quy mô lớn các dự án năng lượng mặt trời sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác và an ninh lương thực của châu Âu.

Cách mạng năng lượng mặt trời ở châu Âu - ảnh 4
Công nhân kiểm tra tấm pin mặt trời tại nhà máy ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc

REUTERS

Thứ tư, châu Âu ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Các chuyên gia lo ngại, sự phụ thuộc vào Trung Quốc là “một lỗ hổng tiềm tàng”.

Nhà phân tích chính sách tại Viện Chính sách Môi trường châu Âu Thorfinn Stainforth nói rằng Trung Quốc kiểm soát rất nhiều khoáng sản cần thiết cho việc lắp đặt các thiết bị năng lượng mặt trời và rất nhiều hoạt động sản xuất đã chuyển sang Trung Quốc trong 10 năm qua. Giá thành các tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc hiện rất rẻ, tuy nhiên, rủi ro vẫn tiềm ẩn, nhất là việc gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc như trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

Có thể thấy, để giải tỏa “cơn khát năng lượng” và để “cai” hẳn khí đốt của Nga, châu Âu đang thúc đẩy các giải pháp thay thế, trong đó đáng kể nhất là chuyển đổi sang sử dụng năng lượng mặt trời. Nguồn điện năng lớn từ năng lượng mặt trời trong thời gian qua đã tạo được sự hỗ trợ cần thiết, giảm đáng kể việc nhập khẩu khí đốt từ nhiên liệu hóa thạch, giúp người dân và các chính phủ châu Âu tiết kiệm hàng tỉ euro. Tuy nhiên, để giải pháp năng lượng thay thế này được bền vững và giúp châu Âu đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu thì còn có nhiều việc phải làm và nhiều thách thức cần phải vượt qua. Tốc độ triển khai điện mặt trời của châu Âu cần phải tiếp tục duy trì một cách mạnh mẽ nhằm giúp đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo cần thiết vào năm 2030.