Cần phát triển điện mặt trời mái nhà, điện sinh khối

Nhằm có thêm ý kiến đóng góp cho TP.HCM về lĩnh vực năng lượng, Báo Công Thương đã có trao đổi nhanh với chuyên gia năng lượng.

Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch HH Năng lượng Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch HH Năng lượng Việt Nam

Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực Năng lượng, ông có thể đánh giá tình hình phát triển và sử dụng năng lượng tại TP.HCM như thế nào? Cái gì được, cái gì chưa được?

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt NamTP.HCM là một trong những đô thị phát triển nhanh nhất trong cả nước, với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhu cầu tiêu thụ điện bình quân đầu người cao hơn so với mức bình quân chung cả nước, sản lượng điện thương phẩm năm 2021 là 24,4 tỷ kWh, tốc độ tăng nhu cầu điện hàng năm khoảng 7-8%/năm.

Công tác tiết kiệm năng lượng của thành phố đã được thực hiện tốt, thông tin từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), sản lượng điện tiết kiệm điện trong 7 tháng đầu năm 2022 của Tổng công ty đạt 319,4 triệu kWh, bằng khoảng 2,30% so với điện thương phẩm.

Ngày 28/5/2020, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động số 37-CTr/TU, thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, trong đó, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của thành phố đạt tối thiểu 15%, tương ứng trên 600 MW vào năm 2025 và trên 1.200 MW vào năm 2030. Ưu tiên phát triển nguồn NLTT phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. Cơ chế khuyến khích cho phép các đơn vị hành chính sự nghiệp; cơ quan, trường học, bệnh viện và các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn thành phố tự đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) để sử dụng và bán lại phần còn dư cho ngành điện. Đồng thời, đưa việc lắp đặt ĐMTMN thành yêu cầu bắt buộc trong quy chuẩn xây dựng các tòa nhà có mái lớn như các chung cư, trụ sở, trung tâm thương mại, khách sạn…

Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 17.340 bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, góp phần cắt giảm được công suất hệ thống lưới điện khoảng 31 MW. Đối với điện mặt trời, hiện công suất lắp đặt pin mặt trời trên địa bàn thành phố đến nay ước đạt khoảng 400 MWp.

Thành phố đã thực hiện các biện pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như: Khuyến khích các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo góp phần xây dựng thành phố thân thiện với môi trường; Vận động người dân, tổ chức và doanh nghiệp lắp đặt các dự án điện mặt trời trên mái nhà; phối hợp với BQL các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và Hiệp hội các doanh nghiệp Thành phố triển khai các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện mặt trời trong các Khu chế xuất, Khu công nghiệp; Xây dựng và triển khai chủ trương lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố. Thành phố đã tập trung hỗ trợ các dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện trên địa bàn thành phố. Năm 2019, ba dự án nhà máy theo công nghệ đốt rác phát điện ở TP.HCM đã được khởi công, dự kiến xử lý 6.000 tấn rác/ngày mà không cần phân loại rác tại nguồn, gồm: (i) Nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar nằm trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, xã Thái Mỹ, H.Củ Chi; (ii) Nhà máy xử lý 2.000 tấn/ngày của Công ty cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, cũng nằm trong khu này; (iii) Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi ở xã Phước Hiệp, H. Củ Chi.

Ông có thể gợi ý 1 vài giải pháp cơ bản để ngành năng lượng TP.HCM phát triển bền vững?

Trong giai đoạn tới, dự báo nhu cầu năng lượng trên địa bàn TP.HCM vẫn tăng trưởng nhanh nhằm đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Trước tình hình nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và các loại năng lượng truyền thống đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt đã đặt ra cho TP.HCM những chiến lược cấp thiết trong việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo. Việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng hóa thạch kết hợp với nghiên cứu, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, biogas,… được xem là giải pháp hữu hiệu và bền vững.

Ngoài việc thiết lập kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu, thành phố cần ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chất thải nguy hại và dự án thu hồi năng lượng từ rác; xử lý bùn thải; quy hoạch khu vực phát thải carbon thấp; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng và tăng cường xe buýt sử dụng điện, nhiên liệu CNG; sử dụng năng lượng hiệu quả tại các tòa nhà thương mại; khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Cùng với quá trình chuyển đổi ngành năng lượng của đất nước, lĩnh vực năng lượng trên địa bàn thành phố cũng cần được chuyển đổi nhằm thực hiện được mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam thực hiện được cam kết trung hòa khí nhà kính.

Ba khía cạnh chính đặc trưng và làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn tới: hiệu quả năng lượng, tăng trưởng năng lượng tái tạo và điện khí hóa.

Hiệu quả năng lượng cho phép tăng trưởng kinh tế với đầu vào năng lượng thấp hơn. Thành phố cần thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện được các mục tiêu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019.

Tăng cường phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo: Do đặc thù về vị trí địa lý và hạn chế về quỹ đất, TP.HCM không có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng như thủy điện, điện gió, Thành phố định hướng mục tiêu phát triển 2 nguồn năng lượng tái tạo là điện sinh khối, nhất là điện từ chất thải rắn.

TP.HCM: Cần phát triển điện mặt trời mái nhà, điện sinh khối ảnh 1
TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng.

Theo số liệu từ chương trình năng lượng xanh của thành phố, TP.HCM có lượng bức xạ lớn, với số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 150-300 giờ, liên tục trong năm và không bị gián đoạn; vào mùa khô, số giờ nâng lên đến 300 giờ/tháng; mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ/tháng. Tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn thành phố khá lớn, nhất là điện mặt trời trên mái nhà. Theo số liệu đánh giá của ngân hàng Thế giới năm 2017 về tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam, tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà của TP.HCM ước tính khoảng 6.300 MW. Ngoài ra thành phố cũng cần phát triển thêm các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, như bình đun nước nóng.

Nguồn điện từ chất thải rắn, TP.HCM có thể phát triển khoảng 100 MW công suất.

Về điện khí hóa: Cùng với xu thế chung, năng lượng cuối cùng của TP.HCM cũng cần thực hiện chuyển đổi từ các dạng năng lượng khác sang sử dụng điện như: Trong lĩnh vực vận chuyển: Chuyển từ sử dụng xăng dầu sang phương tiện dùng điện; Trong sinh hoạt tại các gia đình cũng chủ yếu sang sử dụng điện (LPG sang dùng điện,…).

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Đình Dũng