EVNSPC hỗ trợ phát triển năng lượng điện tái tạo

Sử dụng điện mặt trời không chỉ giúp ngành điện giảm áp lực về nguồn cung cho hệ thống, bảo đảm cung cấp điện mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) đang tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời (ĐMT) áp mái tại 21 tỉnh, thành phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Hướng phát triển này mang lại những lợi ích trực tiếp về kinh tế và môi trường.

Vừa sử dụng vừa đầu tư

Hệ thống ĐMT áp mái nhà gồm các tấm pin nhận năng lượng từ ánh sáng mặt trời và chuyển hóa thành năng lượng điện. Vào ban đêm không có năng lượng mặt trời, các thiết bị điện trong nhà sử dụng điện lưới. Sáng sớm hoặc chiều tối, năng lượng mặt trời yếu, thiết bị điện sử dụng một phần điện năng lượng mặt trời và một phần điện lưới. Khi mức năng lượng mặt trời đạt đỉnh, hệ thống sẽ phát công suất tối đa. Nếu các thiết bị điện sử dụng không hết, phần điện dư được phát lên lưới điện và được ghi nhận bằng công-tơ đo đếm 2 chiều để bán cho ngành điện.

EVNSPC hỗ trợ phát triển năng lượng điện tái tạo - Ảnh 1.

EVNSPC cấp điện cho đảo Trường Sa bằng hệ thống năng lượng mặt trời

Hiện nay, theo thống kê, tính đến tháng 7-2019, trên địa bàn EVNSPC có 4.817 khách hàng đã lắp đặt công-tơ 2 chiều (2.840 công-tơ 1 pha và 1.977 công-tơ 3 pha) bán điện qua hình thức dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà, tổng sản lượng phát lên lưới từ lúc các dự án vận hành thương mại đến tháng 7-2019 là 7.563.663 KWh, với tổng công suất tấm pin là 109.229 KWp.

EVNSPC hỗ trợ phát triển năng lượng điện tái tạo - Ảnh 2.

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại Viện Dưỡng lão Đường Quy Thiện (tỉnh Tây Ninh)

Ngoài ra, trong chiến lược ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, hệ thống ĐMT áp mái cũng đang được EVNSPC triển khai lắp đặt tại tất cả mái nhà văn phòng các công ty điện lực, trạm biến áp phân phối do EVNSPC quản lý. Dự kiến, khoảng 400 vị trí với công suất khoảng 13 MWp. Đến hết tháng 7-2019, tổng công ty đã đầu tư 179 vị trí, công suất 7.369,7 KWp, trong đó có 167 vị trí với tổng công suất 6.884,3 KWp đã đưa vào vận hành.

EVNSPC hỗ trợ phát triển năng lượng điện tái tạo - Ảnh 3.

Năng lượng mặt trời áp mái tại trụ sở Công ty Điện lực Bà Rịa – Vũng Tàu

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc EVNSPC cho biết thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, tổng công ty đang nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống ĐMT. Đẩy mạnh sử dụng ĐMT không chỉ giúp ngành điện giảm áp lực về nguồn cung cho hệ thống, bảo đảm cung cấp điện mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí cho gia đình, doanh nghiệp.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Trong năm 2019, để đạt mục tiêu về phát triển hệ thống ĐMT áp mái tại các tỉnh, thành phố phía Nam, EVNSPC đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Phổ biến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông khuyến khích sử dụng ĐMT áp mái; sẵn sàng tư vấn, quy trình đăng ký, tiếp nhận hồ sơ lắp đặt, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán ĐMT áp mái; lắp đặt miễn phí công-tơ đo đếm 2 chiều đo đếm điện năng; ký hợp đồng mua bán ĐMT áp mái dư từ doanh nghiệp và người dân.

EVNSPC hỗ trợ phát triển năng lượng điện tái tạo - Ảnh 4.

Khách tham quan hệ thống năng lượng mặt trời áp mái trưng bày tại Ngày hội TKĐ 2019 do EVNSPC tổ chức

Ông Lý cũng cho biết người dân từ Ninh Thuận đến Cà Mau lắp đặt ĐMT trên mái nhà sẽ được tổng công ty gắn miễn phí công-tơ đo đếm hai chiều để đo lượng điện dư phát lên lưới và ký hợp đồng mua bán điện theo giá quy định tại Thông tư 05 do Bộ Công Thương ban hành ngày 11-3-2019. Khách hàng có nhu cầu liên hệ Tổng đài 19001006 hoặc 19009000 của Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNSPC hoặc truy cập trang web https://cskh.evnspc.vn, nhân viên sẽ đến tận nơi tư vấn và hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo EVNSPC, hiện việc triển khai ĐMT áp mái còn gặp một số khó khăn như: do cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành bộ tiêu chuẩn của các thiết bị chính cũng như công bố các thiết bị, nhà cung cấp đạt chất lượng liên quan đến lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái nên các nhà đầu tư (hộ gia đình, doanh nghiệp) gặp khó khăn trong việc lựa chọn thiết bị phù hợp để đầu tư.

Bên cạnh đó, thiếu các tổ chức kiểm định độc lập để xác nhận và công bố chất lượng thiết bị trước khi đấu nối lên lưới điện theo Thông tư 39/2015/TT-BCT về quy định hệ thống điện phân phối.

Bài và ảnh: Hồng Thúy