Sẽ bỏ giá FIT cố định cho điện mặt trời áp mái

Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, chính sách mới cho điện mặt trời áp mái tới đây sẽ không còn giá FIT (giá ưu đãi cố định).

Thông tin này được ông Phạm Nguyên Hùng – Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết tại toạ đàm trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho điện mặt trời áp mái tại khu công nghiệp”, chiều 30/8.

Theo Quyết định số 13/2020, giá mua điện mặt trời áp mái ở mức 8,38 cent một kWh, nhưng chính sách này đã hết hạn từ 31/12/2020. Ông Phạm Trọng Quý Châu – Phó trưởng ban Thường trực Ban Năng lượng tái tạo Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA) cho biết, 9 tháng qua các doanh nghiệp đang chờ đợi chính sách giá mới cho điện mặt trời nói chung, trong đó có điện mặt trời áp mái, khi giá FIT 2 đã hết thời hạn áp dụng.

Việc chưa có chính sách mới về giá mua điện từ hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái sau thời điểm 31/12/2020, đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư vì chưa rõ sẽ như thế nào. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chưa có hướng dẫn tiếp theo về thủ tục xin và chấp thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện, thanh toán tiền điện mua từ các hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang soạn thảo dự thảo quyết định cơ chế phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời áp mái.

Điểm mới của dự thảo quyết định này, ông Hùng cho biết, sẽ không còn giá FIT ưu đãi trong 20 năm như trước đây. Thay vào đó, dự thảo đưa ra tỷ lệ tự dùng tại chỗ của các dự án 70-90%, nhằm giảm áp lực đầu tư lên lưới điện, truyền tải và phân phối. Ngoài tỷ lệ tự dùng, phần điện còn lại (10-30%), doanh nghiệp sẽ bán lại cho EVN. Giá bán điện sẽ theo khung giá phát điện mặt trời hàng năm do Bộ Công Thương ban hành, nhằm đảm bảo sát thị trường.

“Giá mua điện bằng tối đa khung giá phát điện mặt trời hàng năm Bộ Công Thương ban hành, hay giá nào trong khung này thì chúng tôi đang bàn luận, nhằm đảm bảo có thể bù đắp thêm cho chi phí, thu hồi vốn của nhà đầu tư, hài hoà với phần mua điện từ EVN”, ông Hùng nói.

Công nhân lắp đặt điện mặt trời áp mái tại nhà xưởng công nghiệp. Ảnh: EVNHCM

Công nhân lắp đặt điện mặt trời áp mái tại nhà xưởng công nghiệp. Ảnh: EVNHCM

Ngoài ra, Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo nói thêm, dự án đầu tư điện mặt trời áp mái không bị hạn chế công suất dưới 1 MWp như giai đoạn trước, mà công suất sẽ lớn hơn, có thể tới 7-8 MWp và đấu nối vào lưới điện dưới 35 kV trở xuống, không cần đầu tư thêm lưới điện để phục vụ các công trình điện mặt trời áp mái, tránh tổn thất và tắc nghẽn lưới truyền tải.

Ông Hùng hơn một lần nhấn mạnh, chính sách mới sẽ tối ưu hoá, tận dụng tối đa hạ tầng sẵn có trong lắp đặt điện mặt trời áp mái, phù hợp nhu cầu phụ tải tại chỗ. “Điện mặt trời áp mái là nguồn điện phân tán, sử dụng mái nhà các công trình xây dựng đã có hoặc đang triển khai xây dựng, phục vụ nhu cầu sử dụng điện tại chỗ và tận dụng lưới điện phân phối có sẵn”, ông nhấn mạnh.

Hiện dự thảo quyết định của Thủ tướng về phát triển năng lượng tái tạo đang được Bộ Công Thương bàn thảo, và sẽ sớm lấy ý kiến các bộ, ngành.

Góp ý kiến, bà Nguỵ Thị Khanh – Giám đốc Green ID cho rằng, không thể kỳ vọng kéo dài mãi giá FIT, nhưng chính sách mới cần hướng tới việc thúc đẩy thị trường. Triển khai thực tế doanh nghiệp đang gặp nhiều rào cản về quy định pháp luật. Nếu chọn đây là loại hình năng lượng cần phát triển, chính sách đưa ra cần nhất quán, lâu dài và tránh “liên tục thay đổi”, để tạo niềm tin, thu hút nguồn lực của cho nhà đầu tư.

Số liệu từ EVN cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020, trên cả nước có khoảng 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296 MWp và tổng sản lượng phát lên lưới từ điện điện mặt trời mái nhà luỹ kế đến nay đạt hơn đạt 1,15 tỷ MWh góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Anh Minh